Ý định viết về NGND.GS.TS Nguyễn Đức Chiến đã được tôi ấp ủ từ lâu, nhưng mãi đến giờ mới thực hiện được. Thầy là con người của công việc, sống khiêm nhường, giản dị và chân thành. Vì thế, gặp Thầy để bàn công việc, trao đổi về khoa học hay chuyện vui thì dễ, nhưng gặp để viết về Thầy thì rất khó. Và cuối cùng tôi đã gặp được vị Giáo sư vào một chiều đầu đông sau nhiều lần lỡ hẹn.

Căn phòng nhỏ nằm trong Bộ môn Vật liệu điện tử, Trường ĐHBK Hà Nội là nơi làm việc của Thầy. Thầy nguyên là Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng Viện Vật lý Kỹ thuật của Trường. Tôi đến gặp Thầy trước giờ hẹn và thấy Thầy vẫn đang say sưa hướng dẫn mấy học viên cùng chồng tài liệu cao ngất bên cạnh. Thầy bảo tôi chờ Thầy độ dăm phút, và rồi tôi cũng được tiếp chuyện cùng Thầy. Thầy cười hiền hậu, nói tôi thông cảm. Dẫu vậy, tôi không hề tự ái mà vẫn vui, chợt hiểu thêm một góc nhỏ trong con người Thầy.

Quê Thầy ở một làng nhỏ, huyện Quế Võ, Bắc Ninh. Bắc Ninh quê Thầy, tôi đã từng qua lại công tác nhiều năm nay nên rất hiểu và nặng lòng với vùng đất thân thương ấy. Đó là một vùng quê nghèo nhưng có bề dày truyền thống lịch sử văn hoá và cách mạng.

NGND.GS.TS Nguyễn Đức Chiến – Một đời tâm huyết với nghề

Thầy tốt nghiệp Trường ĐH Kỹ thuật điện Saint Petersburg – LETI (Liên Xô cũ) năm 1976 và trở về làm công tác giảng dạy tại Trường ĐHBK Hà Nội. Từ năm 1984, GS Nguyễn Đức Chiến được cử đi học cao học và làm nghiên cứu sinh tại Viện ĐH Bách khoa Quốc gia Grenoble (Cộng hòa Pháp) đến năm 1988. Được mời tiếp tục ở lại sau một năm giảng dạy tại một trong những chiếc nôi khoa học của nước Pháp, nhưng đến năm 1990, GS Nguyễn Đức Chiến vẫn quyết tâm trở về nước, bởi theo Thầy: “Lòng tôi tự nhủ phải về thôi. Nhưng quyết định này thật khó khăn, nhất là khi tôi đang có công việc khá tốt tại một trường danh tiếng ở Pháp. Tuy nhiên, Tổ quốc và mái ấm hạnh phúc gia đình đã thôi thúc tôi trở về”.
Một kỷ niệm, vừa là niềm vinh dự, nhưng cũng là điểm khởi đầu cho con đường sự nghiệp sau này của Thầy trong những năm tháng học trung học. Khi đó, cứ đến giờ học môn Vật lý, thầy chủ nhiệm Phạm Quang Dũng, cũng là thầy dạy bộ môn này đã tin tưởng “nhờ” cậu học trò của mình đứng lớp cho các bạn cùng học. Và chính những lần “trợ giảng” đó đã khơi gợi niềm đam mê, yêu thích môn Vật lý cũng như nghề giáo trong con người GS Nguyễn Đức Chiến. Cho đến tận bây giờ, những lần họp lớp cấp 3, GS Nguyễn Đức Chiến cùng các bạn và thầy giáo Phạm Quang Dũng yêu quý của mình vẫn không quên ôn lại kỷ niệm xưa.

Gắn bó với mái trường ĐHBK Hà Nội, NGND.GS.TS Nguyễn Đức Chiến đã có thâm niên giảng dạy gần 40 năm. Trong quãng thời gian ấy, Thầy đã đứng trên bục giảng, giảng dạy và hướng dẫn nhiều thế hệ sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh. Thầy tâm niệm: “Đã đứng trên bục giảng thì phải hết lòng thương yêu sinh viên, làm hết trách nhiệm của người thầy, làm tròn bổn phận của người đi trước với người đi sau”. Và Thầy đã thực hiện trọn vẹn điều tâm niệm đó trong suốt quãng đời nhà giáo của mình. Trong thời gian công tác của mình, GS Nguyễn Đức Chiến đã hướng dẫn 12 người bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ, gần 40 Thạc sĩ. Hiện tại, Thầy còn đang trực tiếp hướng dẫn 5 nghiên cứu sinh. Những định hướng trong nghiên cứu khoa học rõ ràng, đặc biệt là cách thức làm việc nhóm luôn được Thầy đề cao. Nhiều nghiên cứu sinh, học viên cao học được Thầy hướng dẫn không dấu nổi xúc động trước lòng nhiệt tình, tâm huyết với nghề, thanh cao với đời của GS Nguyễn Đức Chiến.

Ngoài công tác giảng dạy, Thầy cũng là người rất say mê nghiên cứu khoa học. Thầy đã tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp cơ sở.  Đọc danh mục các đề tài khoa học, dự án mà Thầy đã thực hiện, tôi không thể hình dung ra sức làm việc bền bỉ, cần mẫn đến “phi thường” của GS. Tôi cứ nghĩ, nếu chỉ vì miếng cơm manh áo mà không có lòng say mê, tâm huyết với nghề, với đời thì làm sao có thể có được thành quả lao động sáng tạo lớn lao như thế!? Lần giở lại thời gian hơn hai mươi năm về trước, trong đợt trở lại Hà Lan, Thầy đã lục lại và huy động hết các mối quan hệ trước kia để tìm gặp các Giáo sư, các nhà khoa học Hà Lan xin tài trợ để tiếp tục xây dựng và phát triển các phòng thí nghiệm của Trường ĐHBK Hà Nội. Vào những năm 90, Thầy đã cùng với một số nhà khoa học như GS Thân Đức Hiền, PGS Nguyễn Xuân Chánh, cố GS Nguyễn Phú Thùy… vận động tài trợ để thành lập một trung tâm về khoa học vật liệu. Những cố gắng, nỗ lực không mệt mỏi của các Thầy đã được đền đáp. Năm 1992, Viện Đào tạo Quốc tế về Khoa học Vật liệu (ITIMS) được thành lập với sự tài trợ của Chính phủ Hà Lan và Việt Nam. Viện đảm nhiệm các chức năng bao gồm đào tạo sau đại học, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực khoa học vật liệu (vật liệu điện tử). Đến nay, Viện đã đào tạo được nhiều thế hệ thạc sĩ, tiến sĩ thành đạt trong nghiên cứu khoa học.

Trong cuộc đời và sự nghiệp của GS Nguyễn Đức Chiến, có một người luôn là “điểm tựa” của Thầy, được Thầy hết mực tin yêu – đó là người vợ yêu quý của mình. Hơn ba mươi năm qua, gắn bó sâu nặng với GS Nguyễn Đức Chiến, Cô luôn là người vợ tảo tần, thủy chung, là chỗ dựa vững chắc cho Thầy trong cuộc đời cũng như sự nghiệp.

Là một nhà giáo lâu năm, tâm huyết với nghề, với đời, mặc dù đã ngoài lục tuần nhưng GS Nguyễn Đức Chiến vẫn say mê giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Ngoài việc tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học, hướng dẫn học viên cao học, nghiên cứu sinh, Thầy còn tích cực tham gia các công tác xã hội như: Chủ tịch Hội Khoa học Vật liệu Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Vật lý Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Chiếu sáng Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị & Hợp tác Việt – Pháp… Thầy bảo: “Tuy đã có tuổi nhưng sức vẫn còn khỏe, trí óc còn minh mẫn lắm; hơn nữa công việc, nghề nghiệp đã gắn chặt vào cuộc đời, đã ngấm vào máu rồi nên vẫn muốn làm việc”. Tôi hiểu điều đó. Nhưng giờ đây, ở cái tuổi ngoài sáu mươi thì sự bình an và hạnh phúc gia đình có lẽ là một điều rất đỗi thiêng liêng, hết sức ngọt ngào đối với Thầy. Thầy vẫn luôn “tự thưởng” một khoảng thời gian rảnh rỗi cho bản thân để tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao với Trường và tất nhiên là cả với gia đình nhỏ của mình.

Không chỉ tham gia giảng dạy, GS Nguyễn Đức Chiến còn tham gia công tác quản lý với nhiều chức vụ khác nhau: Bí thư Đảng ủy Trường ĐHBK Hà Nội (nhiệm kỳ 2005 – 2010), 14 năm làm Phó Giám đốc Viện ITIMS (1992 – 2006), 8 năm làm Viện trưởng Viện Vật lý Kỹ thuật (2003 – 2011). Bên cạnh đó, Thầy còn giữ vai trò chủ biên nhiều công trình khoa học với nhiều bài báo đăng trên các tạp chí trong nước và quốc tế. Thầy cũng đã tham gia biên soạn các đầu sách, giáo trình, tài liệu phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập của sinh viên, học viên. Ghi nhận quá trình phấn đấu, thành tích, sự cống hiến của GS Nguyễn Đức Chiến đối với sự nghiệp giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ, Đảng, Nhà nước đã phong tặng Thầy nhiều danh hiệu cao quý: Nhà giáo Ưu tú (năm 2008), Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2008), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2002), Nhà giáo Nhân dân (năm 2014). Đó là những phần thưởng vô cùng quý giá. Nhưng đối với Thầy, trong sâu thẳm trái tim mình, điều làm Thầy mãn nguyện nhất là đã góp phần đào tạo nhiều học trò thành đạt, và sẽ còn được tiếp tục đóng góp tất cả sức lực, trí tuệ, tâm huyết của mình cho sự nghiệp “trồng người”, cho Trường ĐHBK Hà Nội – ngôi trường mà Thầy đã lựa chọn từ thời trai trẻ.

Thực tình, tôi không muốn nói thêm nhiều về thành tích, sự cống hiến của GS Nguyễn Đức Chiến đối với Trường, bởi chính những danh hiệu cao quý mà Nhà nước phong tặng cho Thầy đã nói lên tất cả; cũng bởi chính những bậc tiền nhiệm, những đồng nghiệp đã luôn hướng dẫn, đồng hành và giúp đỡ Thầy trong suốt chặng đường dài đầy khó khăn như: GS Vũ Đình Cự, PGS Nguyễn Xuân Chánh, GS Phùng Hồ, GS Thân Đức Hiền, GS Chu Hảo… Nhắc đến GS Nguyễn Đức Chiến, đọng lại trong tôi là hình ảnh một người Thầy đã và đang tiếp tục làm trọn sứ mệnh cao quý của một nhà giáo, nhà khoa học bằng chính khối óc, với trái tim và tấm lòng rộng mở.

Cẩm Lệ
Trung tâm TT&QHCC
Nguồn: Trường ĐHBK-HN