LẦN TRẢ LỜI PHỎNG VẤN ĐẦU TIÊN CỦA HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG VẬT LIỆU, ĐẠI HỌC BÁCH KHOA HÀ NỘI
Ngày 29/3/2023, Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội đã ra Nghị quyết thành lập Trường Vật liệu, thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội, trên cơ sở sáp nhập các đơn vị: Viện Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu; Viện Dệt may – Da giầy và Thời trang; Viện Đào tạo quốc tế về Khoa học Vật liệu (ITIMS), Trung tâm nghiên cứu Vật liệu Polyme và Compozit và Bộ môn Công nghệ In. Hiệu trưởng Trường Vật liệu là GS. Huỳnh Trung Hải – Trưởng phòng Quản lý nghiên cứu, thành viên Hội đồng Giáo sư liên ngành Hóa học – Công nghệ thực phẩm, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ môi trường.
Trước thềm lễ công bố các quyết định thành lập và bổ nhiệm chức vụ quản lý Trường Vật liệu, Trang thông tin điện tử Đại học Bách khoa Hà Nội đã có cuộc trò chuyện với GS. Huỳnh Trung Hải về mô hình, mục tiêu phát triển, những thế mạnh, cơ hội của sinh viên Trường Vật liệu… cũng như những ấp ủ, tâm huyết của vị Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Vật liệu để trong 3-5 năm tới, Trường Vật liệu sẽ có chương trình đào tạo xếp hạng quốc tế, có những phòng thí nghiệm mạnh ngang tầm khu vực, có những NCKH được chuyển giao công nghệ… Đây là cuộc trả lời phỏng vấn đầu tiên của GS. Huỳnh Trung Hải trên cương vị Hiệu trưởng Trường Vật liệu, Đại học Bách khoa Hà Nội.
“Chân dung” Trường Vật liệu, Đại học Bách khoa Hà Nội
– Có thể hình dung về chuyên ngành đào tạo, nghiên cứu của Trường Vật liệu, Đại học Bách khoa Hà Nội là như thế nào? Sinh viên Trường Vật liệu tốt nghiệp xong sẽ làm ở những ngành nghề, doanh nghiệp nào, thưa thầy?
* Trường Vật liệu đào tạo các chuyên ngành đại học và sau đại học về công nghệ chế tạo vật liệu từ nguyên liệu nguồn đến quá trình nấu luyện, đúc và cán kim loại, hợp kim màu và xử lý nhiệt về bề mặt vật liệu kim loại; đào tạo về vật liệu tiên tiến và cấu trúc nano; khoa học vật liệu điện tử, vật liệu quang học, quang điện tử và quang tử; công nghệ dệt may – da giầy và thời trang; vật liệu polyme – compozit nền polyme, kỹ thuật in và truyền thông. Như vậy có thể nói, Trường Vật liệu đào tạo các chuyên ngành không những liên quan đến vật liệu truyền thống mà còn là các loại vật liệu mới, đáp ứng được nhu cầu nhân lực của tất cả các lĩnh vực công nghiệp.
Các đối tượng nghiên cứu chính của Trường bao gồm: Vật liệu kim loại và phi kim loại, vật liệu điện tử và quang tử, vật liệu compozit, vật liệu y sinh, vật liệu năng lượng, vật liệu nano,… với các hướng nghiên cứu: Nghiên cứu các tính chất vật lý, hóa học, cơ học, … của vật liệu; Mô phỏng tính toán vật liệu; Mô phỏng tính toán các quá trình công nghệ; Nghiên cứu phát triển các hệ vật liệu tiên tiến, vật liệu thông minh, vật liệu thân thiện môi trường; Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ nguồn; Nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao vào đời sống; Giải mã công nghệ, tư vấn công nghệ.
Với các chuyên ngành đào tạo và hướng nghiên cứu, sinh viên ra trường có thể làm việc tại các viện nghiên cứu và các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo và nghiên cứu các lĩnh vực liên quan; các cơ sở công nghiệp như gang thép, dệt – may, sản xuất nhựa và compozite, cao su, sơn, in, bán dẫn, viễn thông,…, và doanh nghiệp thuộc công nghiệp phụ trợ.
– Có ý kiến cho rằng hiện tại, không có một nghiên cứu nào là không liên ngành, không có sự kết hợp giữa các ngành không thể nghiên cứu khoa học, cho ra những sản phẩm hữu ích được. Thầy đánh giá gì về nhận định này và điều đó có ý nghĩa gì không với sự sáp nhập các đơn vị thành Trường Vật liệu?
* Đúng vậy, do quá trình phát triển nhanh của kỹ thuật công nghệ cùng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nên không có nghiên cứu nào là không mang tính liên ngành. Để nghiên cứu phát triển được công nghệ và sản phẩm phục vụ phát triển kinh tế – xã hội phải tiến hành nghiên cứu theo chuỗi sản phẩm. Chính vì vậy việc sáp nhập các đơn vị có chuyên môn gần thành Trường Vật liệu nhằm để tối ưu hóa nguồn lực triển khai hiệu quả hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo, tối ưu hóa nguồn lực hoạt động đào tạo.
Thành lập Trường Vật liệu, sinh viên được lợi gì?
– Với góc độ của lãnh đạo Đại học, lãnh đạo Trường thì việc sáp nhập các Viện, Trung tâm chuyên ngành gần là công việc tái cấu trúc, để đại học phát triển hơn, ngành học phát triển hơn, là hướng đi tương lai… Tuy nhiên, từ góc nhìn của người thụ hưởng là sinh viên, doanh nghiệp thì với việc thành lập Trường Vật liệu, cơ hội việc làm của các sinh viên sẽ như thế nào so với việc các em được đào tạo tại các đơn vị đơn lẻ trước đây? Chất lượng đào tạo có được nâng cao hơn để cung cấp cho doanh nghiệp những kỹ sư, cử nhân có thể làm việc ngay, hội nhập ngay?
* Hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Trường Vật liệu nói riêng và Đại học Bách khoa Hà Nội nói chung nhằm cung cấp nhân lực đáp ứng nhu cầu cũng như hợp tác để giải quyết các vấn đề kỹ thuật công nghệ phát sinh trong quán trình hoạt động.
Việc tái cấu trúc một số đơn vị chuyên môn trong Đại học Bách khoa Hà Nội để thành lập Trường Vật liệu nhằm quy hoạch sử dụng nguồn lực (nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo và nghiên cứu) là xu thế tất yếu nhằm phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội. Chính nhờ vậy, sinh viên được đào tạo công nghệ lõi về các loại vật liệu khác nhau theo chuyên ngành cũng như các chuyên môn rộng về các loại vật liệu và các kỹ năng mềm do đó mở rộng cơ hội việc làm so với đào tạo đơn lẻ. Bên cạnh đó, với các kiến thức đã được trang bị, sinh viên hoàn toàn có năng lực tự trang bị kiến thức sau khi tốt nghiệp để bắt kịp với xu thế phát triển nhanh chóng của kỹ thuật công nghệ mà đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Ngoài ra, Trường Vật liệu có các nhiều loại trang thiết bị nghiên cứu các đối tượng vật liệu khác nhau, thiết bị về định tính cũng như định lượng vật liệu nên sinh viên sẽ được thí nghiệm thực hành trên các thiết bị này, không bỡ ngỡ khi vào làm việc tại các doanh nghiệp công nghiệp, kỹ sư và cử nhân có thể làm việc và hội nhập ngay.
Mô hình giáo dục tiên phong tại Việt Nam, tiệm cận với thế giới
– Mô hình Trường thuộc đại học của Đại học Bách khoa Hà Nội được các nhà quản lý giáo dục đánh giá là tiên phong ở Việt Nam, tiệm cận với thế giới. Thầy có thể cho biết trên thế giới từng có trường đại học nào đào tạo chuyên ngành tương tự như vậy không để ta có thể học hỏi kinh nghiệm? Cách đây gần 2 năm, Đại học Bách khoa Hà Nội đã thành lập 3 Trường là: Cơ khí, Điện – Điện tử; CNTT&TT cũng trên cơ sở sáp nhật một số đơn vị. Vậy Hiệu trưởng Trường Vật liệu Huỳnh Trung Hải có tìm hiểu và học hỏi được gì bài học kinh nghiệm của lãnh đạo 3 trường này không? Thầy quan tâm nhất đến nội dung chia sẻ nào của họ?
* Thứ nhất, trên thế giới có nhiều trường đại học đào tạo các chuyên ngành về vật liệu, như:
- Tại Nhật Bản, Trường Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu thuộc Đại học Tohoku;
- Tại Hàn Quốc, Khoa Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu thuộc Đại học Quốc gia Seoul;
- Tại Singapore, Trường Đại học Công nghệ Nanyang Singapore đã thành lập Trường Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu được hơn 30 năm;
- Tại Trung Quốc, Đại học Thanh Hoa có Trường Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu;
- Tại Mỹ, Trường Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu thuộc Học viện Công nghệ Georgia, Hoa Kỳ…
Có thể thấy, trên thế giới có nhiều trường đại học đào tạo và nghiên cứu về chuyên ngành vật liệu mà Trường Vật liệu của Đại học Bách khoa Hà Nội có thể học hỏi kinh nghiệm trong quá trình phát triển nhằm tiệm cận và hội nhập với khu vực và thế giới.
Thứ hai, Trường Vật liệu học hỏi được nhiều bài học kinh nghiệm trên cơ sở những kết quả đạt được và những khó khăn trở ngại của 3 Trường: Cơ khí, Điện – Điện tử; CNTT&TT sau gần 2 năm hoạt động, cụ thể là những kinh nghiệm về: Quy hoạch sử dụng nhân lực hiệu quả cân bằng giữa khối lượng đào tạo và nghiên cứu, phát huy tính tự chủ, luôn luôn đổi mới sáng tạo, định hướng và tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu. Những bài học kinh nghiệm của 3 Trường được thành lập trước rất quý giá cho bản thân tôi trong quá trình xây dựng và phát triển Trường Vật liệu sắp tới.
Hình dung Trường Vật liệu 3-5 năm tới
– Là Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Vật liệu, nhìn thấy trước là thầy sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức, thầy có thể cho biết thầy chuẩn bị tâm thế như thế nào để đảm nhận nhiệm vụ này?
* Tôi rất vinh dự khi là Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Vật liệu, tôi xin cảm ơn Giám đốc và tập thể lãnh đạo Đại học Bách khoa Hà Nội tin tưởng giao nhiệm vụ cũng như sự ủng hộ của cán bộ chủ chốt thuộc các đơn vị (Viện Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu, Viện Dệt may, Da giày và Thời trang, Viện đào tạo quốc tế về Khoa học Vật liệu, Trung tâm Công nghệ Polyme và Compozit và Bộ môn Kỹ thuật In thuộc Viện Kỹ thuật Hóa học).
Tôi xác định, nhiệm vụ này đầy khó khăn và thách thức nhưng cũng là cơ hội, nhưng bản thân phải đối diện với khó khăn thử thách, tìm kiếm giải pháp để vượt qua và tạo cơ hội để Trường phát triển. Để vượt qua khó khăn và thách thức, bên cạnh trách nhiệm, nhiệt huyết và năng lực của cá nhân, sự gắn kết và đồng lòng của cán bộ trong Trường và sự ủng hộ của Giám đốc và Tập thể lãnh đạo Đại học để nắm bắt cơ hội nhằm phát triển là hết sức quan trọng.
– Hình dung Trường Vật liệu trong 3-5 năm tới sẽ là như thế nào, thưa thầy?
* Trong 3 – 5 năm tới, tôi kỳ vọng và mong muốn cán bộ của Trường Vật liệu là một khối hữu cơ thống nhất, hình thành được môi trường học thuật quốc tế, xây dựng được các chương trình đào tạo đại học và sau đại học đáp ứng nhu cầu phát triển của công nghiệp phù hợp với xu thế phát triển của kỹ thuật công nghệ cũng như hội nhập khu vực mà quan trọng là thu hút được người học, xây dựng được 3-5 phòng thí nghiệm nghiên cứu mạnh ngang tầm khu vực, có 1-2 sản phẩm khoa học công nghệ được chuyển giao hay hình thành doanh nghiệp spin-off, có một chương trình đào tạo được xếp hạng bởi các tổ chức xếp hạng quốc tế.
– Xin cảm ơn thầy về cuộc trao đổi!
Điều đầu tiên Hiệu trường Trường Vật liệu sẽ làm?
“Trên cương vị Hiệu trưởng Trường Vật liệu, điều đầu tiên tôi sẽ làm là lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và mong muốn của cán bộ để phát triển Trường, tiếp theo sau là nhanh chóng ổn định tổ chức để triển khai các hoạt động chuyên môn” – GS. Huỳnh Trung Hải
|