Ngày 18/12/2008. vào lúc 21h 25′

(ĐCSVN) Ngày 18/12, Hội thảo quốc tế về Công nghệ Micro-Nano- ISMST 2008 đã chính thức được khai mạc. Đây là Hội thảo lần đầu tại Hà Nội do Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Ritsumeikan(Nhật Bản) và Đại học Giao thông Thượng Hải phối hợp tổ chức.

 

Mục đích của Hội thảo lần này nhằm thúc đẩy hợp tác nghiên cứu về công nghệ Micro-Nano; thúc đẩy ứng dụng công nghệ MST/MEMS trong công nghiệp góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương và khu vực.

Tham dự Hội thảo có sự tham gia của các GS Takayuki Kojima, Phó Hiệu trường Đại học Ritsumeikan(Nhật Bản); GS Susumu Sugiyama, Viện trưởng Viện RINST, Đại học Ritsumeikan; GS Xiao Lin Zhao, Giám đốc Viện Khoa học và Công nghệ Micro-Nano, Đại học Giao thông Thượng Hải; GS Hà Duyên Tư, Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội; GS Nguyễn Đức Chiến, Viện trưởng Viện Vật lý Kỹ thuật, Bí thư Đảng ủy Đại học Bách khoa Hà Nội cùng đông đảo sinh viên, nghiên cứu sinh các trường Đại học Việt Nam có nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu về ngành học này.

Tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế đã trình bày kết quả nghiên cứu, trao đổi ý tưởng, thảo luận về các vấn đề thách thức trong lĩnh vực Micro-Nano cũng như lập các kế hoạch hợp tác nghiên cứu và đào tạo cán bộ trình độ cao…

Phát biểu tại Hội thảo, Viện trưởng Viện Đào tạo Quốc tế về Khoa học Vật liệu ITIMS, PGS Vũ Ngọc Hùng cho biết: “Công nghệ Micrô-Nanô là một trong những lĩnh vực khoa học công nghệ quan trọng nhất trong thế kỷ 21, công nghệ chìa khóa tạo ra các ngành công nghiệp mới, các sản phẩm công nghệ cao thông qua những nghiên cứu mang tính đột phá. Ở Việt Nam,trong “Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam đến năm 2010” đã đưa ra một số hướng cơ điện tử mới, có triển vọng, như: hệ vi cơ điện tử (MEMS) và hệ nano cơ điện tử (NEMS)…Để Việt Nam có tên trên bản đồ công nghệ Micro-Nano thế giới, cần có những cơ sở nghiên cứu chế tạo và đưa ra thị trường những sản phẩm trên cơ sở công nghệ này. Một khi những nhà sản xuất bị thuyết phục rằng chúng ta có thể đáp ứng được những yêu cầu kỹ thuật trong sản xuất, chế tạo linh kien MEMS tại Việt Nam khi đó việc đầu tư xây dựng những nhà máy tại Việt Nam cho những mục đích này là hoàn toàn có tính khả thi”.

Phóng sự Hội thảo ISMST 2008 trên đài truyền hình HN

Được biết trong hai năm từ 2005-2007, trên cơ sở dự án Hợp tác quốc tế giữa Đại học Bách khoa Hà nội với Đại học Ritsumeikan (Nhật Bản) do tổ chức NEDO tài trợ, phòng thí nghiệm MEMS hiện đại đã được thành lập tại Viện ITIMS, Đại học Bách khoa Hà nội. Nhiều thiết bị công nghệ hiện đại, đặc biệt là hệ thiết bị Quang khắc 2 mặt và hệ thiết bị Ăn mòn Khô RIE (dry reactive ion etching) đã được đầu tư. Đây là cơ sở cho việc nâng cao chất lượng nghiên cứu, đào tạo trong lĩnh vực này tại Việt nam, hội nhập trình độ Quốc tế.

Hội thảo diễn ra trong hai ngày và kết thúc vào ngày 19/12/2008 ./.

Khánh Lan – Báo Điện tử Đảng Cộng sản VN