GDVN- Ông Nguyễn Phúc Dương – Giám đốc Viện Đào tạo Quốc tế về Khoa học Vật liệu – Trường đại học Bách Khoa Hà Nội được công nhận là Giáo sư ngành Vật lý năm 2020.
Giáo sư Nguyễn Phúc Dương sinh năm 1971, quê ở Phường Vĩ Dạ, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên, là cựu sinh viên của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Năm 21 tuổi, ông tốt nghiệp và được cấp bằng Đại học chuyên ngành Hóa học. Năm 1995, ông được Trung tâm Đào tạo Quốc tế về Khoa học Vật liệu cấp bằng Thạc sĩ chuyên ngành Khoa học Vật liệu.
Đến năm 2002, ông nhận bằng Tiến sĩ chuyên ngành Vật lý chất rắn, thuộc ngành Vật lý của Trường Đại học Tổng hợp Amsterdam (Hà Lan). Năm 2009, ông được công nhận chức danh Phó giáo sư ngành Vật lý.
Từ năm 2004 đến năm 2008, Giáo sư Nguyễn Phúc Dương là giảng viên tại Viện Đào tạo Quốc tế về Khoa học Vật liệu (ITIMS) – Trường đại học Bách Khoa Hà Nội.
Trong 10 năm tiếp theo, ông giữ chức vụ Phó Viện trưởng tại Viện Đào tạo Quốc tế về Khoa học Vật liệu (ITIMS) – Trường đại học Bách Khoa Hà Nội.
Từ năm 2018 đến năm 2020, Giáo sư là Phụ trách Viện, Viện trưởng, Giám đốc viện tại Viện Đào tạo Quốc tế về Khoa học Vật liệu (ITIMS) – Trường đại học Bách Khoa Hà Nội.
Giáo sư Nguyễn Phúc Dương hiện là Giám đốc Viện Đào tạo Quốc tế về Khoa học Vật liệu (ITIMS) – Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (Ảnh: Hội đồng Giáo sư Nhà nước) |
Trong khoảng thời gian làm việc, công tác tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Giáo sư luôn hoàn thành vượt giờ giảng dạy và Nghiên cứu khoa học được giao.
Giáo sư Nguyễn Phúc Dương hoạt động nghiên cứu chủ yếu với ba lĩnh vực khoa học là Vật liệu hạt từ nano và ứng dụng; Vật liệu từ liên kim loại và Từ học môi trường.
Ông là một trong những người có nhiều đóng góp quan trọng trong nghiên cứu khoa học ngành Vật lý. Giáo sư đã hoàn thành 3 đề tài Nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước; 2 đề tài Nghiên cứu khoa học cấp Bộ.
Ba đề tài Nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước do Giáo sư Nguyễn Phúc Dương thực hiện bao gồm: Chế tạo và nghiên cứu các tính chất từ của các hạt pherit có kích thước nanomet (năm 2012); Nghiên cứu sự phân bố cation và ảnh hưởng của chúng lên tính chất từ của một số hệ hạt nano pherit và garnet sắt (năm 2015); Nghiên cứu các tính chất từ và từ điện trở của các cấu trúc nano trên cơ sở vật liệu oxit có tính nửa kim loại và nhiệt độ chuyển pha từ cao (năm 2019).
Bên cạnh đó, Giáo sư cũng đã hướng dẫn 6 Nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ; công bố 143 bài báo Khoa học, trong đó 58 bài báo KH trên tạp chí quốc tế có uy tín.
Ông cũng tham gia biên soạn sách phục vụ đào tạo từ trình độ đại học trở lên, đó là cuốn sách “Vật liệu pherit có kích thước nanomet – Công nghệ chế tạo và các hiện tượng từ” của Nhà xuất bản Bách Khoa Hà Nội.
Giáo sư Nguyễn Phúc Dương tích cực tham gia xây dựng, phát triển chương trình đào tạo hoặc chương trình nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ của cơ sở giáo dục đại học đã được đưa vào áp dụng thực tế.
Cụ thể một số chương trình như Chương trình Kỹ thuật vi điện tử và Công nghệ nano (định hướng ứng dụng thử nghiệm cho SV ngành Điện tử – Viễn thông từ năm 2018); Chương trình cử nhân Kỹ thuật Vật liệu; Chương trình Thạc sĩ Khoa học vật liệu; Chương trình Tiến sĩ Vật liệu điện tử.
Sau 16 năm tham gia đào tạo, bồi dưỡng từ trình độ đại học trở lên, ông Nguyễn Phúc Dương được chính thức công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư ngành Vật lý.
Một số bài báo, báo cáo khoa học trong số 143 bài báo khoa học đã công bố của Giáo sư Nguyễn Phúc Dương:
1. “Formation and magnetic properties of the RCo4Si compounds” (Journal of Magnetism and Magnetic Materials) 2. “A specificheat study of GdMn4Al8” (Journal of Alloys and Compounds) 3. “Magnetic properties of TbFe4Al8” (Journal of Alloys and Compounds) 4. “Note on the occurrence of rare earth compounds of the type RCr6Al6” (Journal of Alloys and Compounds) 5. “Ultrafast Manipulation of Antiferromagnetism of NiO” (Physical Review Letters) 6. “Magnetic properties of Mn1- xZnxFe2O4 ferrite nanoparticles prepared by using coprecipitation” (Journal of the Korean Physical Society) 7. “Ultrafast processes in Antiferromagnet Cr2O3” (Proceedings of the 9th Asia Pacific Physics Conference (9th APPC)) 8. “Crystallization and magnetic behavior of nanosized nickel ferrite prepared by citrate precursor method” (Journal of Alloys and Compounds) 9. “Influences of cobalt substitution and size effects on magnetic properties of coprecipitated Co–Fe ferrite nanoparticles” (Journal of Alloys and Compounds) 10. “Temperaturedependent magnetic properties of yttrium iron garnet nanoparticles prepared by citrate sol–gel” (Journal of Alloys and Compounds) 11. “Nghiên cứu chế tạo hạt ferit garnet R3Fe5O12 (R = Y, Gd, Dy) kích thước nanomet” (Tạp chí phát triển Khoa học và Công nghệ) 12. “Đánh giá tình trạng ô nhiễm kim loại nặng tại làng nghề tái chế chì Đông Mai, Văn Lâm, Hưng Yên bằng phương pháp quan trắc từ học” (Tạp Chí Khoa Học và Công Nghệ Các Trường Kỹ Thuật) 13. “Ảnh hưởng của kích thước hạt tới tính chất từ của hạt nano pherit MnFe2O4 tổng hợp bằng phương pháp đồng kết tủa” (Tạp Chí Khoa Học và Công Nghệ Các Trường Kỹ Thuật) 14. “Đặc trưng IV và tính chất từ của các hạt nano Y3Fe5- xSnxO12 chế tạo bằng phương pháp sol-gel” (Tạp chí khoa học và công nghệ Việt Nam B) 15. “Nghiên cứu các tính chất từ của hạt nano ferit Mn-Zn nhằm ứng dụng trong nhiệt trị” (Kỷ yếu Hội nghị Vật lý chất rắn và Khoa học vật liệu toàn quốc lần thứ 9) |
Theo tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam