Hôm 28/02/2009, công đoàn Viện ITIMS tổ chức cho các cán bộ đi du xuân, theo lịch trình thì đoàn sẽ đến Trúc Lâm Thiền viện Tây Thiên (xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) và Khu di tích lịch sử đền Sóc, là nơi thờ Thánh Gióng cùng quần thể các đền thờ Phật và các vị thần. Đúng 7h, đoàn xuất phát.

Điểm dừng đầu tiên là Đền Trình Quốc mẫu Tây Thiên

Tây Thiên Thiền Viện 

Nơi khởi thuỷ của Phật giáo Việt Nam, có vẻ đẹp bề thế mà vẫn hài hoà với thiên nhiên, được toạ lạc trên sườn núi cao, từ đây du khách có thể phóng tầm mắt ra xa để thấy bao la rừng núi với đồng bằng, được xây dựng bề thế mà vẫn hài hoà với thiên nhiên.

Thiền viện được xây dựng với ý nguyện phục hung lại Phật giáo tại nơi sơ khai này bằng tất cả tâm huyết, tình cảm của lãnh đạo và nhân dân tỉnh nhà cùng với lòng thành của Hoà thượng Thích Thanh Từ- người có nhiều công lao trong việc phục hồi Thiền tông Trúc Lâm Việt Nam. Đặc biệt hơn khi mà để tạo nên Thiền Viện Tây Thiên có sự góp mặt của rất nhiều nét tinh hoa của nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc tiêu biểu nhất Việt Nam, từ làng đá mỹ nghệ Ngũ Hành Sơn-Đà Nẵng, Ninh Bình, Thanh Hoá; làng nghề Hà Tây, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh; Huế, Nha Trang, Gia Lai, Hà Nội, Nam Định.

Khu di tích lịch sử đền Sóc, là nơi thờ Thánh Gióng cùng quần thể các đền thờ Phật và các vị thần.

Tục truyền rằng làng Gióng (xã Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội) là nơi sinh ra Thánh Gióng. Mẹ Gióng ướm chân vào vết chân thần mà sinh ra. Đời Hùng Vương thứ 6 ở phía bắc có tin cấp báo về nhà Ân Bắc triều sắp đưa đại binh sang, thế không thể chế ngự được.

Gióng lên ba vốn nằm trơ trơ không biết nói cười, naghe tiếng mõ rao bỗng ngồi dậy cất tiếng nói với mẹ ra mời sứ giả vào và bảo sứ giả về tâu với vua cho rèn ngựa sắt, áo giáp sắt, roi sắt để đi giết giặc. Vua Hùng cho người đem đến, Gióng vươn vai cao lớn khác thường rồi mặc áo giáp, cầm roi sắt lên ngựa đi đánh giặc. Ngựa phun lửa giặc chết như rạ. Roi sắt gãy, Gióng nhổ cả những bụi tre bên vệ đường để đánh giặc. Giặc tan, Gióng cởi áo giáp, cưỡi ngựa lên núi Vệ Linh (Sóc Sơn) rồi bay về trời. Ngày 9 tháng 4 âm lịch hàng năm cử hành lễ hội làng Gióng thu hút rất đông du khách từ khắp nơi về dự hội. Dân trong làng chọn tướng rước ngựa, diễn lại nhiều sự tích chiến thắng lừng lẫy làm sống lại tinh thần đoàn kết, khí thế hào hùng, ý chí quật cường chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta từ thuở dựng nước.

Nhiều công trình kiến trúc được xây dựng từ đời Lý mang đậm dấu ấn hiện nay vẫn được bảo tồn ở làng Phù Đổng như đền Thượng – thờ ông Gióng với những câu đối, hoành phi, bậc tam cấp vào gian điện chính được khắc nổi hình những con rồng được gọi là bậc thềm rồng; chùa kiến sơ – thờ Tam giáo (thờ Phật, Khổng Tử, Lão Tử) và thờ Lý Thái Tổ. Ngược lên khu di tích lịch sử đền Sóc (xã Phù Linh – Sóc Sơn), nơi ông Gióng hóa bay về trời hàng năm thu hút hàng vạn khách thập phương về tham quan tưởng nhớ đến công ơn ông Gióng. Khu di tích gồm đền chùa, miếu thờ tọa lạc trong khuôn viên rộng, xung quanh là núi non chập chùng rợp mát bóng cây. Quần thể di tích với 6 nơi thờ đều mang đậm những điển tích. Mới đây trên núi Vệ Linh, Nhà nước cho xây dựng chùa Non là nơi thờ Phật với tượng Phật tổ được đúc bằng đồng cao 3,5m, nặng 36 tấn.

Để chuẩn bị kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội, công trình dựng tượng đài Thánh Gióng cưỡi ngựa bay về trời trên đỉnh núi Vệ Linh dự kiến sẽ được hoàn tất vào trước năm 2010. Hội đền Sóc được mở vào các ngày 6-7-8 tháng giêng hàng năm. Thần tích Phù Đổng Thiên Vương với hai khu thờ: ở làng Phù Đổng (Gia Lâm – Hà Nội) và đền thờ ở Phù Linh – Sóc Sơn sẽ mãi là nơi lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, di sản văn hóa quốc gia.

Một vài hình ảnh trong chuyến du xuân:

 Trên đường về Hà Nội, mỗi người một tâm trạng, nhưng thảy đều vui vẻ vì đã có được một chuyến du hành thuận lợi và có ý nghĩa.

 Xuân tuy đã sắp qua nhưng vẫn mong cho Viện ITIMS ngày một phát triển, chúc các bạn đồng nghiệp đang học tập và công tác xa Việt nam có được sức khỏe dồi dào và thật may mắn, Hạnh phúc.

 Thân ái !